Mình đã có một bài viết trước kể về hành trình của mình kiếm 20 triệu đầu tiên từ viết blog như thế nào và có nhắc đến các hình thức kiếm tiền từ blog. Tiếp theo ở bài này mình muốn giúp các bạn mới về làm web có cái nhìn và định hướng về việc lựa chọn để bắt đầu tạo dựng một blog/website để từ đó có thể làm mmo không cần vốn ban đầu.
Khi xây dựng một trang web thì có lẽ ai cũng sẽ quan tâm đến 2 vấn đề đầu tiên là mình sẽ xây dựng web trên nền tảng nào và cách thức ra sao? Ở bài này sẽ chỉ là nội dung định hướng và có thể bài sau nữa sẽ là chi tiết từ khâu chọn domain ra sao đến hoàn thiện 1 trang web như thế nào nếu số lượng bạn quan tâm đủ nhiều. Nếu bạn hứng thú thì hãy cùng xem tiếp nhé!
3 Nền Tảng Để Xây Dựng Blog/Website Cơ Bản
Theo hiểu biết hạn hẹp của mình thì có 3 cách phổ biến dưới đây đang được mọi người sử dụng để xây dựng một trang web:
1. Nền tảng CMS (Content management system – Hệ thống quản lý nội dung):
Bên trong CMS lại chia ra làm 2 loại:
– Loại tương tự như WordPress.com và Blogger.com:
- WordPress.com: Dịch vụ cung cấp sẵn cho việc tạo và quản lý trang web dựa trên WordPress. Người dùng không cần phải tự cài đặt, chỉ cần đăng ký tài khoản và bắt đầu tạo nội dung. Dữ liệu của trang web sẽ được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của WordPress.com. Định dạng URL mặc định của WordPress.com thường có dạng: yourblogname.wordpress.com
- Blogger.com: Một dịch vụ cung cấp bởi Google cho phép người dùng tạo và quản lý blog dễ dàng. Dữ liệu của các blog trên Blogger.com sẽ được lưu trữ tại các máy chủ của Google. Định dạng URL mặc định của Blogger thường có dạng: yourblogname.blogspot.com.
Cả hai nền tảng trên đều cung cấp các tên miền tùy chỉnh, cho phép người dùng đăng ký và sử dụng tên miền riêng thay vì sử dụng định dạng URL mặc định. Tuy nhiên, URL mặc định vẫn có thể được sử dụng miễn phí cho người dùng không muốn mua tên miền riêng.
– Loại tương tự như WordPress.org, Joomla, Drupal,…:
WordPress.org: Phiên bản tự quản lý của WordPress. Người dùng tự cài đặt mã nguồn mở này lên máy chủ của mình để tạo và quản lý trang web một cách linh hoạt.
Joomla và Drupal: Cũng là các hệ thống quản lý nội dung mã nguồn mở, cung cấp khả năng mở rộng và tùy chỉnh cao.
Ưu điểm:
- Dễ sử dụng: CMS như WordPress, Joomla, Drupal cung cấp giao diện người dùng thân thiện, giúp người dùng tạo nội dung và quản lý trang web một cách dễ dàng.
- Mở rộng linh hoạt: Có thể mở rộng chức năng của trang web thông qua các plugin và theme.
- Cộng đồng lớn: Có cộng đồng hỗ trợ lớn, nhiều tài liệu và nguồn tư liệu hữu ích.
Nhược điểm:
- Hạn chế về tùy chỉnh: Đôi khi khó để thực hiện các tùy chỉnh đặc biệt mà không cần sửa mã nguồn.
- Bảo mật: Sự phổ biến của CMS có thể khiến trang web trở thành mục tiêu cho các vấn đề bảo mật nếu không được cập nhật đúng cách.
2. Nền tảng Website Builder:
Wix, Squarespace, Weebly là các nền tảng phổ biến cho kiểu xây dựng web này. Các nền tảng này cung cấp các công cụ dễ sử dụng, giúp người dùng tạo trang web một cách nhanh chóng mà không cần kiến thức kỹ thuật sâu.
Họ cung cấp các giao diện người dùng sẵn có, các công cụ kéo và thả, và các tùy chọn tùy chỉnh đơn giản hơn.
Thường ít linh hoạt hơn CMS về việc tùy chỉnh và mở rộng, nhưng phù hợp cho người không có kiến thức lập trình.
Ưu điểm:
- Dễ sử dụng: Các công cụ kéo và thả giúp người dùng tạo trang web một cách nhanh chóng mà không cần kiến thức kỹ thuật.
- Thời gian triển khai nhanh: Cho phép xây dựng trang web trong thời gian ngắn.
Nhược điểm:
- Hạn chế về tùy chỉnh: Có thể hạn chế trong việc tùy chỉnh giao diện và chức năng so với việc sử dụng CMS hoặc tự code.
- Giới hạn mở rộng: Khó mở rộng và thêm các tính năng đặc biệt nếu nhu cầu phức tạp.
3. Nền tảng tự viết code
Với cách này thì hoặc là bạn cần bỏ tiền để thuê người code một trang web với giao diện và tính năng như mình muốn và tùy vào yêu cầu của bạn mà số tiền thuê có thể từ vài triệu đến vài chục triệu hoặc hơn.
Hoặc là bạn muốn tự mình code thì bạn phải là một web developer hoặc không thì cần tự học rất nhiều thứ. Là một người đã dành 1.5 năm tính đến thời điểm này để tự học web development thì mình có thể kể sơ ra cho bạn nào chưa biết, để có thể tạo một trang web ở mức độ cơ bản bạn nhất định cần biết những thứ sau:
Frontend:
- HTML (tạo khung cho trang web giống như khung một ngôi nhà),
- CSS (tạo style, trang trí cho trang web của bạn đẹp lên giống như bạn trang trí cho ngôi nhà như quét sơn, lắp rèm, thêm nội thất,…),
- Javascript (Cung cấp các chức năng tương tác, hiệu ứng, và logic cho trang web tương tự như việc tạo ra các tiện ích động trong ngôi nhà như tính năng đóng mở rèm, cửa, hệ thống điện,…)
- Thư viện như jQuery (công nghệ đã rất cũ) hoặc các công nghệ đang thịnh hành ngày nay như React library với framework nổi bật như NextJs, hay các framework khác như Angular, Vue.js. Bằng cách sử dụng các framework/library này sẽ giúp bạn code frontend dễ dàng nhanh chóng hơn là dùng Javascript thuần để tương tác với DOM của trình duyệt.
Backend:
- Nếu không muốn tìm hiểu thêm ngôn ngữ khác nữa thì có thể chọn học Node.js (sử dụng ngôn ngữ Javascript/Typescript), còn không thì bạn cần học thêm một trong một số ngôn ngữ phổ biến để xây dựng API cho trang web như Java, Python, Go, C#, PHP, Ruby,… Mỗi ngôn ngữ sẽ có một vài framework đi kèm để giúp việc xây dựng chức năng dễ dàng mau chóng hơn.
- Database: càng ngày càng có nhiều loại nhưng phổ biến nhất có thể kể đến SQL (MySQL, PostgreSQL, SQLite, SQL Server,…), NoSQL(MongoDB, Redis, Cassandra,…) Graph (Neo4j, Amazon Neptune, ArangoDB, OrientDB,…),…
- Ngoài ra còn rất nhiều thứ bổ sung khác cũng cần học đến như Version Control System (VCS), Development Tools, Deploy web app, Linux,… Nói chung không dễ dàng một chút nào đúng không ạ.
Ưu điểm:
- Tùy chỉnh tối đa: Có thể tạo ra bất kỳ tính năng, giao diện nào theo ý muốn và độ phức tạp mong muốn.
- Hiệu suất tối ưu: Có thể tối ưu hiệu suất theo cách tốt nhất cho dự án cụ thể.
Nhược điểm:
- Đòi hỏi kiến thức kỹ thuật: Yêu cầu kiến thức sâu về lập trình và thiết kế web.
- Thời gian và chi phí: Việc phát triển từ đầu có thể tốn nhiều thời gian và chi phí hơn so với sử dụng CMS hoặc Website Builder.
Vậy từ những thông tin ở trên để làm web thì bạn nên chọn cách nào?
Việc chọn giữa các cách thức triển khai trang web thường phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể về dự án của bạn, kiến thức kỹ thuật, mục tiêu sử dụng và mức độ kiểm soát và tùy chỉnh mà bạn mong muốn.
Khi nào nên chọn Website Builder hay CMS như Blogger.com và WordPress.com?
- Dễ sử dụng: Nếu bạn muốn tạo trang web nhanh chóng mà không cần kiến thức kỹ thuật đặc biệt, các Website Builder và các CMS như Blogger.com và WordPress.com là lựa chọn tốt. Chúng cung cấp các công cụ dễ sử dụng, các giao diện sẵn có và không đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ thuật.
- Không muốn quản lý hosting và cấu hình: Các dịch vụ như Blogger.com và WordPress.com loại bỏ việc bạn phải tự quản lý hosting, bảo trì cũng như cấu hình máy chủ, do đó tiết kiệm thời gian và công sức.
- Dự án nhỏ và cần một trang web cơ bản: Nếu bạn muốn tạo một trang web cá nhân hoặc blog đơn giản mà không cần quá nhiều tính năng phức tạp, các dịch vụ Website Builder hoặc CMS như Blogger.com và WordPress.com là lựa chọn phù hợp.
Khi nào nên chọn CMS tự cài đặt như Joomla, WordPress.org?
- Kiểm soát tối đa và tùy chỉnh cao: Nếu bạn muốn kiểm soát tối đa về giao diện, tính năng và quản lý dữ liệu, các CMS tự cài đặt như Joomla và WordPress.org là lựa chọn tốt. Bạn có thể tùy chỉnh mọi khía cạnh của trang web của mình theo ý muốn.
- Dự án lớn hoặc chuyên nghiệp: Khi bạn cần một trang web có tính năng mạnh mẽ, phức tạp và mở rộng, các CMS tự cài đặt thường cung cấp các plugin và theme linh hoạt để xây dựng các dự án lớn và chuyên nghiệp hơn.
- Kiến thức kỹ thuật: CMS tự cài đặt đòi hỏi kiến thức kỹ thuật để cài đặt, quản lý và bảo trì. Nếu bạn có kiến thức về quản lý máy chủ, cài đặt và lập trình web, bạn có thể chọn các CMS tự cài đặt để có sự linh hoạt cao hơn.
Khi nào nên chọn tự code một trang web?
- Kiến thức kỹ thuật: Nếu bạn có kiến thức vững về lập trình và thiết kế web, và muốn có sự linh hoạt tuyệt đối trong việc tạo ra một trang web hoàn toàn theo ý muốn của mình, tự code một trang web là lựa chọn tốt.
- Yêu cầu đặc biệt và tùy chỉnh cao: Khi dự án đòi hỏi tính tùy chỉnh cao, không giới hạn về giao diện, chức năng, và không muốn phụ thuộc vào các framework hoặc CMS có sẵn.
Tóm lại
Với cá nhân mình, qua thời gian làm nhiều trang web kể cả tự code thì nếu bạn không có nền tảng nhất định về IT muốn nhanh chóng tạo dựng một trang web và bắt đầu thu được traffic, có được người dùng và bắt đầu triển khai các dịch vụ và bussiness của mình để có thể kiếm tiền từ nó thì lựa chọn tốt nhất là WordPress.
Cách dùng CMS như Blogger hoặc Website Builder thì cho bạn cảm giác trang web đó không thuộc về mình và có một chút bó buộc khi tùy chỉnh nó theo ý muốn (do mọi thứ đều nằm trên server của nhà cung cấp dịch vụ đó mà mình không thể can thiệp sâu) nhưng cũng là cách có thể chọn khi bắt đầu xây dựng một blog cá nhân vì nó không mất một chi phí nào cả.
Cách số 3 thì mình nghĩ thường phù hợp cho nhu cầu của các công ty, tổ chức hoặc những web developer thực thụ tạo trang web cá nhân.
Đi sâu vào làm web với WordPress.
Khi đi sâu vào WordPress thì bạn sẽ thấy để xây dựng một trang web thì lại có thể chia thành 3 cách thức tiếp cận và triển khai tiếp như bên dưới:
1.Chỉ sử dụng những thứ free như free theme, free plugin
Với cách này có thể là một lựa chọn tốt để bắt đầu xây dựng trang web, nhưng có thể gặp phải một số hạn chế như bên dưới:
- Tùy chỉnh hạn chế: Các Free Theme thường có tính tùy chỉnh hạn chế so với các Premium hoặc Custom Theme. Bạn có thể không có quyền truy cập đầy đủ vào tất cả các tùy chọn tùy chỉnh giao diện, màu sắc, font chữ, hoặc các tính năng nâng cao.
- Thiếu tính năng cần thiết: Một số Free Theme không cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết hoặc các tùy chọn quản lý trang web một cách linh hoạt. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu một số chức năng quan trọng hoặc không thể thực hiện một số mục tiêu cụ thể cho trang web của bạn.
- Hỗ trợ kém: Các Free Theme thường không có hỗ trợ khách hàng tốt như các Premium Theme. Việc không có sự hỗ trợ có thể gây khó khăn trong việc giải quyết vấn đề kỹ thuật, cập nhật, hoặc tùy chỉnh.
- Hiệu suất và tối ưu hóa: Một số Free Theme có thể không được tối ưu hóa tốt cho hiệu suất hoặc tốc độ tải trang. Điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và SEO của trang web của bạn.
- Hạn chế về thiết kế và sự độc đáo: Do số lượng lớn người dùng sử dụng các Free Theme, nên trang web của bạn có thể trở nên khá giống với các trang web khác sử dụng cùng một theme. Điều này có thể làm giảm tính độc đáo của trang web của bạn.
- Bảo mật: Một số Free Theme có thể không được cập nhật thường xuyên hoặc không có hỗ trợ bảo mật tốt, điều này có thể tạo điều kiện cho việc xâm nhập hoặc các vấn đề bảo mật.
2. Sử dụng Free theme kết hợp với các các Pro/premium Plugin Builder
Các Plugin Builder thông dụng đang được sử dụng rất nhiều như: Visual Composer, Elementor, Divi Builder, Beaver Builder. Các plugin này cung cấp một trình tạo giao diện kéo và thả linh hoạt, giúp bạn xây dựng trang web một cách nhanh chóng và dễ dàng
- Ưu điểm:
Linh hoạt và Tùy chỉnh cao: Builder Plugin như Elementor, Divi, hoặc Beaver Builder cho phép bạn tạo giao diện trực quan, kéo và thả các phần tử, điều chỉnh giao diện một cách linh hoạt.
Kiểm soát tối đa: Bạn có thể kiểm soát từng phần tử, mỗi chi tiết trên trang web của mình.
Tạo giao diện theo ý muốn: Builder Plugin cho phép bạn tạo ra các trang web với giao diện độc đáo mà không cần kiến thức kỹ thuật sâu.
- Nhược điểm:
Tùy chỉnh yêu cầu thời gian: Việc tùy chỉnh chi tiết có thể tốn thời gian hơn khi so với việc sử dụng các giao diện đã có sẵn.
Khả năng tương thích: Các Builder Plugin có thể không tương thích tốt hoặc gây ra xung đột với các plugin khác trong một số trường hợp cụ thể.
3. Sử dụng các Premium theme với nhiều tính năng tùy chỉnh và xây dựng web nhanh chóng.
Các theme WordPress thường kết hợp nhiều cách tiếp cận để tạo ra trải nghiệm linh hoạt và tùy chỉnh cho người dùng với 2 trường phái phổ biến:
- Trường phái theme tương tự như Bricks theme: các kiểu theme này nó giống như kiểu tích hợp một builder plugin tương tự như các plugin kể đến ở trên vào trong theme của nó. Người dùng có thể thêm các HTML element trực tiếp vào trang web để tạo các template và gắn chúng lên giao diện của các page hoặc post. Nó cung cấp sẵn một số các template có sẵn để bạn có thể sử dụng nếu thấy phù hợp. Ngoài ra nó còn sử dụng kết hợp thêm các WordPress Element như Widgets, Shortcodes, Custom Post Types để xây dựng và tổ chức giao diện.
- Trường phái theme tương tự như Newspaper theme (thiên về tin tức) sử dụng Prebuilt Các loại theme này thường cung cấp các prebuilt themes với giao diện sẵn có, người dùng có thể chọn và áp dụng trực tiếp. Ngoài ra nếu không sử dụng prebuilt themes, người dùng có thể tạo giao diện trên các page bằng cách sử dụng các Block hoặc Grid được thiết kế sẵn.
Ưu điểm:
- Giao diện chất lượng cao: Premium Theme thường có giao diện sẵn có chất lượng cao, đa dạng và thường được tối ưu hóa cho hiệu suất.
- Tiết kiệm thời gian: Sử dụng Premium Theme có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian so với việc tạo giao diện từ đầu hoặc sử dụng Builder Plugin.
- Hỗ trợ và cập nhật: Thường có sự hỗ trợ tốt từ nhà phát triển và các cập nhật định kỳ để cải thiện tính bảo mật và hiệu suất.
Nhược điểm:
- Hạn chế tùy chỉnh: Khả năng tùy chỉnh giao diện có thể bị hạn chế so với việc sử dụng Builder Plugin hoặc tự thiết kế.
- Không linh hoạt: Bạn có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi giao diện nếu bạn muốn chuyển đổi sang một giao diện khác.
Tạm Kết
Từ những thông tin ở trên nếu bạn muốn nhanh và dễ nhất có thể thì có thể chọn các Premium theme có sẵn rất nhiều prebuild theme để xem mình ứng ý cái nào thì cài đặt cái đó sau đó tùy chỉnh đôi chút là sẽ có 1 website theo ý mình ở một mức độ nào đó.
Còn nếu bạn quen với WordPress và việc xây dựng trang web từng chút từng chút một theo ý mình để được trang web với giao diện đúng ý mình nhất mà không có trở ngại gì, và không quan trọng chuyện đòi hỏi nhiều thời gian hơn thì bạn có thể chọn cách dùng Builder plugin hoặc theme dạng như Bricks theme. Hãy nên tìm hiểu và xem xét kỹ trước khi bỏ tiền mua theme hay plugin.
Với mình thì đã đều thử tạo web dựa trên các nền tảng web, thể loại theme và plugin kể trên và tùy mục đích sử dụng mà chọn một cái phù hợp. Thực sự mình thấy chưa bao giờ việc làm một trang web đẹp lại nhanh và dễ dàng như bây giờ.
Bạn chỉ cần có ý tưởng thiết kế sơ bộ cho trang web và bắt tay vào làm là có thể nhanh chóng có một trang web phù hợp cho riêng mình. Mất chút công sức thôi còn theme pro thì được cung cấp và cài đặt miễn phí bởi công ty cung cấp hosting.
Các bạn có ý định làm web thì cứ mạnh dạn thử làm đi nhé, không có gì là quá phức tạp cả đâu.
Hy vọng các bạn đang sở hữu trang web với WordPress có thể comment chia sẻ theme hay plugin mà mình đang sử dụng cho những người mới có thể lựa chọn cho mình một theme phù hợp cho riêng mình nhé.
Trên đây là những chia sẻ đúc kết từ quá trình làm web của mình. Chúc các bạn sớm sở hữu những trang web tỷ view, triệu người mê, vừa có ích cho người xem vừa thu nhận được $ cho bản thân mình.
Nguồn: Tâm sự Affiliate