Với số điểm đầu vào cao ngất ngưởng từ các trường đại học, ngành marketing đang trở thành ngành hot hơn bao giờ hết. Marketing đang thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh cấp 3, sinh viên và dân trái ngành. Hot là thế, nhưng marketing thực sự rất rộng. Và việc trở thành một marketer đồng nghĩa với việc bạn cần hiểu rõ thế mạnh, thế yếu của bản thân nằm ở đâu. Con đường sự nghiệp của một marketer có thể bắt đầu tại agency. Sau đó chuyển sang oanh tạc tại client. Hoặc từng bước xây dựng branding cho bản thân và trở thành freelancer. Để hiểu bản thân muốn làm việc ở đâu, mỗi marketer cần trang bị kiến thức cơ bản về sự khác nhau giữa freelancer, client và agency.
I. Agency và 7749 bài học vỡ lòng
1.1 Agency là gì
Trên thị trường hiện nay có chủ yếu 5 loại agency. Các agency thường sẽ làm công việc biến các ý tưởng sáng tạo thành những hoạt động thực thi bao gồm TVC, banner, poster, clip viral. Từ đó, kết hợp với các hoạt động digital marketing như SEO, SEM, để quảng bá sản phẩm. Những chiến dịch truyền thông đình đám của các brand lớn như Đi để trở về của Bitis được thực hiện bởi Denstu, Dirt is good của Lifebouy được thực hiện bởi Lowe
1.2 Các vị trí công việc tại Agency
Một agency thành công không thể vắng mặt một số vị trí cốt cán sau đây:
1.2.1 Account tại agency
Account: nhiệm vụ cơ bản của một account là đầu mối liên lạc giữa khách hàng và agency. Họ sẽ là người phụ trách gặp gỡ và trao đổi với khách hàng về những yêu cầu của khách, sau đó sẽ truyền đạt lại nội dung cho team để chỉnh sửa và triển khai. Không lạ gì chuyện Account réo gọi deadline và yêu cầu team chỉnh sửa hàng chục lần để làm hài lòng khách hàng.
1.2.2 Strategic planner tại agency
Planner sẽ đảm nhiệm vị trí lên kế hoạch cho một chiến dịch truyền thông của client. Một planner giỏi là người vừa có tầm nhìn xa rộng, và một ít đầu óc bay bổng của creative. Hơn thế nữa, mọi planner đều cần một mindset data-based.
1.2.3 Creative tại agency
Sau khi họp team cùng planner, nhiệm vụ của creative sẽ là brainstorm big idea cho chiến dịch. Một team creative thường bao gồm copywriter, người đảm nhiệm việc ‘’copy’’ ra những thông điệp quảng cáo, tagline, concept… . Và visual art, người chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh cho idea. Tùy vào từng agency, mà team creative hay strategic planner mới là team trọng yếu của agency. Một số agency thiên về creative thì team creative sẽ nắm chủ chốt. Tức là họ sẽ brainstorm idea trước. Planner dựa vào đó để lên chiến dịch truyền thống phù hợp với idea của team.
1.2.4 Media tại agency
Media: team media sẽ chịu trách nhiệm về việc design các ấn phẩm của chiến dịch bao gồm các banner, hình ảnh,…
1.3 Môi trường làm việc tại agency
1.3.1 Workload tại agency
Vì phải tiếp xúc với rất nhiều brand mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng, nên khối lượng công việc tại agency có thể nói là khá nặng và tốc độ làm việc cũng rất nhanh, đòi hỏi ở các team là sự thích nghi và sáng tạo không ngừng.
1.3.2 Môi trường cởi mở
Môi trường tại agency là một môi trường vô cùng tự do, cởi mở, thoải mái, trẻ trung và năng động. Đã từng đi làm tại agency, và cả client, mình thấy giờ giấc của cả hai môi trường khá khác nhau. Đi làm đúng giờ tại client chính là đi làm đúng giờ, nhưng với agency đi làm đúng giờ chính là đi sớm! 8h30 có mặt tại agency, công ty vẫn còn khá vắng vẻ nhưng bù lại workload nặng đòi hỏi mọi người phải làm việc bù đầu ngay cả khi đã về nhà.
1.3.3 Trang phục sáng tạo, tự do
Một điều rất hay tại agency mình từng chứng kiến là mỗi một người sẽ mang cá tính rất riêng và mọi người không ngại thể hiện điều đó qua những bộ trang phục, hay hình xăm trên người. Đi làm tại agency với 7749 các loại trang phục từ quần short đến thậm chí cả bộ đồ ngủ nhưng không ai lên tiếng về độ ‘’dị’’ của bộ trang phục bạn đang mặc đâu.
1.3.4 Văn hóa chêm Tiếng Anh tại agency
Đồng thời, làm agency không bắt buộc bạn phải giỏi tiếng anh. Mặc dù vậy, hãy tập làm quen với ‘’văn hóa’’ nói tiếng Anh chêm tiếng Việt. Bởi lẽ từ ngữ chuyên ngành quảng cáo rất nhiều. Ví dụ như, những từ quen thuộc trong ngành: brief, brainstorm, key visual … vẫn thường được người trong ngành sử dụng khi trao đổi công việc.
Bên cạnh đó, tại các agency lớn, thuộc khối global, nhiều đồng nghiệp và khách hàng là người nước ngoài, đồng nghĩa với việc chêm tiếng Anh khi trò chuyện trở thành một thói quen hàng ngày.
1.4 Làm copywriter tại agency có khó không
1.4.1 Lịch làm việc của copywriter
Làm copywriter của agency, cầm trịch vô vàn những cái task hạng nặng của công ty, thời khóa biểu của agency đôi lúc bị ‘’dí’’ đến mức không ngóc đầu lên được, nhưng có lúc lại rảnh như thất nghiệp. Một ngày của copywriter sẽ bắt đầu như sau:
- Sáng: ăn sáng, họp với team planner để brainstorm chục cái idea và chốt một
- Họp xong lại tiếp tục vùi đầu vào viết các concept, edit lại kịch bản TVC, copy cho print ad, …
- Chiều: lại viết, viết và viết,..
1.4.2 Chuyên môn của copywriter
Đồng thời, làm việc như một copywriter tức là những câu chữ của bạn phải thật ‘’đắt’’, ngắn gọn nhưng đủ nghĩa, đủ sâu, đủ trendy, đủ thu hút khách hàng. Điều đó đòi hỏi bạn phải thật sáng tạo, tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống, luôn làm mới bản thân và cập nhật tin tức mỗi ngày.
Một điểm ‘’đen’’ nữa khi làm việc tại agency là ‘’mặt dày’’ bởi lẽ bạn phải chấp nhận gạt bỏ cái tôi cá nhân khi những ý tưởng của bản thân dễ dàng bị từ bỏ không thương tiếc bởi khách hàng và team. Cảm giác những ý tưởng của bản thân không được người khác công nhận cũng thất vọng và nản lắm chứ.
II. Client và những điều bạn chưa biết
2.1 Client là gì
Khác với agency mỗi ngày là một khách hàng mới, làm việc cho client tức là làm việc cho một brand duy nhất. Nhiệm vụ của marketer chính là quảng bá cho chính brand của mình, từ không tên tuổi thành có tên tuổi, giúp người mua nhận diện được chính brand đó, kết hợp với phòng sales để thúc đẩy doanh thu. Một số client lớn hiện nay có thể kể đến như Coca Cola, Pepsi, Unilever.. Và họ sẽ là người ‘’book’’ các agency để tạo ra những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ giúp nâng cao về mặt hình ảnh của họ trong lòng người dùng.
2.2 Các vị trí tại client
Khác với agency, vị trí cốt cán của client sẽ bao gồm:
2.2.1 Brand manager tại client
Đúng như cái tên brand manager, họ sẽ là người đảm nhiệm từ A đến Z cho các hoạt động marketing của brand. Từ phân tích các nghiên cứu thị trường, đến xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn từ hàng tháng đến hàng năm. Đồng thời brand manager phải làm việc với các phòng ban và lên ý tưởng đổi mới sản phẩm. Một brand manager giỏi đòi hỏi vừa phải có tư duy phân tích data, vừa có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Và nhiều năm chinh chiến xông phá giúp họ có một cái nhìn đúng về thị trường và brand.
2.2.2 Trade marketing tại client
Trade marketing: chịu trách nhiệm lên ý tưởng và triển khai các chiến dịch kích hoạt thương hiệu, tung khuyến mãi để chiến thắng tại điểm bán. Không chỉ vậy, trade marketing còn là người làm việc với các đại lý để kích thích đại lý, tạp hóa khuyến khích người mua sử dụng sản phẩm của họ. Trưng bày như thế nào và khuyến mãi ra sao, các sự kiện,… chính là nhiệm vụ của một trade marketer
2.2.3 Marketing resarch & analytics tại client
Công việc của team bao gồm phân tích các dữ liệu, đọc dữ liệu để đề xuất ra những insight hữu ích, thực hiện các dự án nghiên cứu thị trường, tổng hợp thành data, và đo lường mức độ hiệu quả của các chiến dịch.
2.2.4 Media tại client
Media: team media sẽ chịu trách nhiệm về truyền thông thương hiệu
2.3 Trải nghiệm đi làm tại client
2.3.1 Môi trường công sở chỉn chu, chuyên nghiệp
Khác với công việc phải đổi mới mỗi ngày tại agency, làm client là bám dai bám dẳng brand của mình đến khi nghỉ việc. Môi trường làm việc tại client, vì thế, cũng mang tính công sở nhiều hơn, ít tự do hơn, đòi hỏi nhiều hơn sự chỉn chu từ phong cách ăn mặc và cách làm việc.
2.3.2 Content full stack tại client
Ngày nay, tại nhiều client nhỏ, các bạn thường mọc ra khái niệm content full stack: tức là vừa phải là một copy, vừa phải là một designer, vừa là một planner, cái gì cũng đến tay, cái gì cũng biết làm. Thay vì chuyên biệt về chức năng như agency, các bạn marketing tại client thường đa zi năng, và biết nhiều kỹ năng hơn.
Ngày xưa, khi mình đi làm tại một trung tâm giáo dục start up, công việc chính của mình cũng khá tương tự khi vừa phải lên timeline truyền thông cho fanpage, vừa đảm nhiệm vị trí viết bài, kiêm chạy ads, kiểm luôn việc lên ý tưởng cho một số sự kiện của trung tâm.
2.4 Mối quan hệ giữa agency và client
2.4.1 Client và agency hợp tác làm việc như thế nào?
Như đã nói ở trên, agency sẽ là đơn vị được book. Client sẽ là đơn vị chủ động book agency, để cùng nhau tạo ra những chiến dịch truyền thông cho client, và ghi điểm trong mắt khách hàng. Sau khi đã làm rõ yêu cầu của client, agency sẽ tiến hành lên ý tưởng ban đầu, concept, research, tìm insight cho chiến dịch, và cả hai sẽ chính thức gặp nhau ở buổi pitching.
2.4.2 Client và agency xảy ra mâu thuẫn
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là client yêu cầu rất nhiều Agency gửi kế hoạch hay bản thiết kế demo cho mình sau buổi pitching. Tuy nhiên, sau đó lại không có phản hồi cho agency. Thậm chí sử dụng một phần bản thiết kế của agency mà không đề xuất hợp tác. Các client cũng thường xem nhẹ các khoản phí về mặt ý tưởng của team creative. Họ xem nhẹ chất xám của agency và chỉ trả phí cho những chiếc ads hay website họ quan sát bằng mắt thường.
2.4.3 Client và agency không hiểu nhau
Đồng thời, sự xung đột hay gặp nhất là client và agency không thực sự hiểu nhau. Client muốn this nhưng account của agency lại hiểu that và truyền tải nhầm thông tin. Hay ngay cả client cũng không biết rõ bản thân muốn gì nhưng đòi agency sửa cho mình hẳn 49 lần!
3. Freelancer không hề dễ như bạn nghĩ
3.1 Freelancer khác agency và client như thế nào
Với freelancer, có thể mô tả công việc của một freelancer bằng ba không:
- Không công ty
- Không sếp
- Không trói buộc
Vì vậy một freelancer có thể làm việc vào giờ nào cũng được, làm việc nào cũng được và ở đâu cũng được. Miễn là vẫn tạo ra giá trị và nuôi sống bản thân!
3.2 Lịch làm việc của một freelancer
Theo một freelancer chia sẻ, bữa sáng của bạn ấy sẽ bắt đầu lúc 7h để ăn uống và làm việc nhà, 8h là thời gian để rà soát công việc. Buổi sáng dành thời gian để viết post cho khách và buổi chiều vẫn làm việc. Thời gian còn lại sẽ nghỉ ngơi, thiền tập thể dục, chăm sóc bản thân và gia đình. Thật sự nếu làm việc hiệu quả, trở thành một freelancer sẽ tiết kiệm cho bạn nhiều thời gian và công sức đi lại.
3.3 Những thuận lợi của freelancer
Đúng như chữ free, những freelancer có được giờ giấc tự do họ mong muốn, tự do lựa chọn khách hàng và tự do trong cách làm việc của bản thân.
Mỗi freelancer sẽ có những múi giờ làm việc khác nhau, có freelancer là múi giờ Mỹ tho, lại có freelancer là múi giờ Mỹ ‘’thật’’.
Nhưng dù thế nào, các freelancer vẫn rất cần có một kế hoạch làm việc hiệu quả và sự kỷ luật để tránh trễ tiến độ công việc.
3.4 Những khó khăn của freelancer
Màu hồng sung sướng là thế đấy, nhưng đổi lại một freelancer đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận khối lượng công việc không ổn định, kéo theo tình hình tài chính tăng sụt bất ngờ. Đặc biệt là khi những freelancer mới bắt đầu làm, tài chính không ổn định vì lượng khách hàng chưa có nhiều là điều khó tránh khỏi.
Hơn thế, nhiều freelancer đã từng lên các hội nhóm kêu ca về việc khách hàng chậm trễ thanh toán, thậm chí có nhiều người còn bị bùng thanh toán khi đã hoàn thành xong dự án.
4. 3 điều mình học được khi đi làm tại agency và client
4.1 Hãy luôn học hỏi và nâng cấp kiến thức mỗi ngày
Với agency, làm gì thì làm nhưng idea là cực quan trọng. Và để có được idea hay, khả năng copy sắc bén, mình phải luôn học hỏi, và làm giàu vốn sống, bằng cách thường xuyên xem các chương trình truyền hình, cập nhật trend tiktok, và không bỏ qua bất kỳ chiếc ads nào dài 30s trên Youtube
4.2 Bỏ qua cái tôi và học cách giao tiếp
Đi làm mà, nhiều lúc không được công nhận là chuyện bình thường, điều quan trọng là trên con đường đó mình đã làm được gì và tích lũy được gì từ những góp ý và nhận xét của người khác. Và giao tiếp là chìa khóa quan trọng để hiểu được những gì mình cần làm, đồng thời giúp bạn hòa nhập nhanh hơn vào môi trường mới. Don’t be shy! Chính là lời khuyên mình tâm đắc cho những bạn marketer hướng nội như mình.
4.3 Tự do trong kỷ luật
Dù đi làm ở đâu, hãy luôn giữ cho mình sự kỷ luật nhất định để đảm bảo hiệu quả trong công việc. Điển hình như trở thành một freelancer, kỷ luật bản thân, sắp xếp vô vàn những cái task cần chạy vào một thời khóa biểu hợp lý là vô cùng cần thiết. Nếu không, chậm trễ deadline cho khách sẽ là một điểm trừ trong tương lai cho chính thương hiệu của bản thân đấy.
5. Bạn phù hợp với môi trường nào, freelancer hay agency và client?
5.1 Tính cách hướng ngoại – hãy chinh phục agency
Nếu bạn là một người bay bổng, nhiều ý tưởng sáng tạo, thích theo trend, mê trend, tính cách vui vẻ sôi động với màu cá tính riêng, một agency sẽ là một lựa chọn phù hợp cho bạn. Được lựa chọn trang phục mình thích, làm việc thoải mái và mỗi ngày là một khách hàng mới thật sự là một điểm đến cho những bạn có ‘’vibe’’
5.2 Tính cách hướng nội thích ra quyết định – hãy tiếp cận client
Nếu bạn là một người chỉn chu, chuyên nghiệp, muốn ổn định và gắn bó lâu dài, muốn là người nắm quyền quyết định và gắn bó với các chiến lược kinh doanh, làm việc cho client sẽ là vị trí phù hợp với bạn
5.3 Tính cách thích tự do thích tự làm ông chủ – hãy ngồi ở ghế của freelancer
Nếu bạn yêu thích tự do, không thích làm chủ ai và không thích ai làm chủ mình, đã có tay nghề cứng cựa và muốn phát triển bản thân hơn, hãy trở thành một freelancer để thỏa sức bung tỏa mà vẫn có time để yêu bản thân.
6. Big 4 Agency tại Việt Nam
Dưới đây là big 4 agency trong giới quảng cáo. Họ đứng sau vô vàn những chiến dịch truyền thông, thành công đưa tên tuổi của các brand lên một tầm cao mới.
Ogilvy & Mather Việt Nam: https://www.ogilvy.com/
TBWA Việt Nam: https://www.tbwa.com.vn/
Saatchi & Saatchi Vietnam: https://www.wearesaatchi.com/
JWT Vietnam: https://m.facebook.com/profile.php?id=161833713872559
KẾT LUẬN
Sau khi đã nắm hết những kiến thức cơ bản về ngành, hiểu được agency là gì, client là gì, chắc hẳn mọi người đã bắt đầu có cho mình những phác họa đầu tiên về con đường sự nghiệp mình muốn đi. Dù là làm ở đâu, một marketer thực sự là một marketer luôn miệt mài khám phá các trend, nâng cấp hệ điều hành kiến thức mỗi ngày, tận tâm hết lòng trong công việc mình làm và đừng ngại THỬ, bạn nhé!