Thiên SOTA

REVIEW TẤT TẦN TẬT CUỐN SÁCH 90 – 30 – 20, TỪ NGOÀI VÀO TRONG

review sach 90 20 30

Nếu bạn đang nung nấu ý định trở thành “người chơi hệ chữ” thì mình khuyên bạn nên mua ngay cuốn sách 90 – 20 – 30 | 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ.

Nói về cuốn sách trong 3 câu

Cuốn sách cho bạn 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ mà bất cứ Copywriter mới vào nghề nào cũng cần đến.

Bạn sẽ được sống đời sống của những người làm sáng tạo, đầy chất “nghệ” cũng đầy “nỗi niềm khó nói”.

Sách không tẩm “thuốc phiện” đâu, nhưng bạn sẽ nghiện đấy.

Sách 90 – 20 – 30 dành cho ai?

Bạn có đang mong muốn được làm việc trong môi trường sáng tạo? Nếu thế, cuốn sách này chính là tài liệu tham khảo chân thực nhất bạn đang cần để tìm hiểu về công việc hằng ngày của những người làm creative tại Agency. Biết đâu, từ đây bạn sẽ tìm được cơ duyên với ngón nghề “chơi chữ”. Cuốn sách 90 – 20 – 30 quả thực là bảo bối trong túi gấm đầy trân quý dành cho những Copywriter non trẻ. Sau khi đọc xong, bạn sẽ được nạp thêm kha khá hành trang, “súng đạn” để khởi đầu cho những dự định sáng tạo của mình đấy.

Nếu bạn chỉ đơn giản là kẻ ngoại đạo thích khám phá về một lĩnh vực khác với nghề nghiệp mình đang làm, bạn hoàn toàn có thể đọc cuốn sách này để trải nghiệm một công việc thú vị dưới góc nhìn hài hước. Bạn sẽ hiểu hơn về những khó khăn và định kiến mà nhiều người thường áp đặt lên nghề quảng cáo. Copywriter là một nghề chân chính như bao nghề khác, Copywriter không phải là làm thời vụ, cũng không phải nhân viên phát tờ rơi như các bà, các cô quanh xóm vẫn lầm tưởng.

Hoặc những người đã trong nghề lâu năm, khi đọc sách, biết đâu bạn có thể thấy hình bóng mình trong ấy, để được bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ sục sôi.

Tóm tắt các phần của cuốn sách

Cuốn sách này không có mục lục, nhưng nội dung được phân chia rất rõ ràng, dễ hiểu. Về cơ bản, mình chia nó làm 2 phần.

Phần 1 (gói gọn trong 17 trang sách đầu)

Phần 1 gồm các nội dung:

1/ Giới thiệu về tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn và các đồng nghiệp đã góp công tạo nên cuốn sách này.

2/ Lời dẫn cho cuốn sách.

3/ Giải thích các thuật ngữ cơ bản của ngành “chơi chữ”.

4/ Quy trình ươm mầm một chiến dịch quảng cáo với rất nhiều bước vòng vèo, ngoằn ngoèo, từ khi nhận “thánh chỉ” của khách hàng cho tới khi hoàn thiện và ra mắt sản phẩm.

5. Giới thiệu các nhân vật góp mặt trong “series sitcom ăn khách” này.

Anh 30 – Senior Copywriter, đàn anh máu mặt trong nghề với hơn 10 năm kinh nghiệm, đang đối mặt áp lực với việc phải dẫn dắt đàn em.
Em gái 20 – Copywriter Intern – đàn em ngây thơ vô số tội, vừa bước chân ra khỏi giảng đường sang chảnh, đang trong trạng thái hồ hởi, phấn khởi của một tân binh.
Chú 44 – Managing Director – ông trùm thông thái của Agency có gương mặt bị hiểu lầm là bảo vệ.
Bà chị 29 – Account Manager – Bà chị này không phải kế toán. Chị là “bảo mẫu” cao cấp cho các bạn Creative, sư tử hà đông chốn văn phòng.
Chị 32 – Art Director – chị gái khoái “xếp hình”, chịu trách nhiệm về khâu hình ảnh cho mỗi quảng cáo.

Phần 2

Phần 2 là những câu chuyện dở khóc dở cười về chuỗi ngày làm thực tập sinh Copywriter của em 20. Mỗi ngày, đàn em 20 và đàn anh 30 lại quấn nhau trên một đề bài truyền thông nào đó, bắt tay làm ý tưởng và vật lộn với câu từ. Cứ giải quyết được một đề bài khó, họ lại có thêm một bài học hay.

Các bài học thì phải nói là vô số kể, chẳng hạn như là:

Trước khi viết, một khâu rất quan trọng mà Copywriter không thể bỏ qua là nhóm ý nội dung, tổ chức thông tin mạch lạc.
Trong lúc kiếm ý tưởng, hãy coi trọng số lượng hơn chất lượng, đừng vì quá mê mẩn một vài ý tưởng nào đó khiến cho não không thể hoạt động hết công suất.
Idea hay nhất là idea đến từ trải nghiệm.
Sản xuất content cần đúng chứ không cần “nghe thú vị”, sáo rỗng. Copywriter là người viết chính xác điều thương hiệu muốn nói.
Thông điệp cần cân bằng giữa lý tính và cảm tính.



Tốt nhất bạn nên tìm đọc để biết thêm chi tiết nhé, thú vị lắm đấy!

Cảm nhận của mình về cuốn sách

Nói thực, mới đầu cầm quyển sách trên tay, mình hơi hốt nhẹ, vì trông nó dày phết. Không biết bao lâu nữa mới cày hết 400 trang sách này.

Nhưng bìa sách đẹp quá, hình ảnh có vẻ tinh nghịch, nền lại còn đúng màu vàng hợp gu nữa chứ.

Mình lật giở từng trang sách thơm tho, đọc một cách hớn hở. Ủa? Tui có mua lộn truyện tranh không ta. Sao mà càng đọc càng hăng thế này.

Cuốn sách giống như một bộ series sitcom với gần trăm tập phim mang đầy chất tấu hài. Nhân vật chính là anh 30 và cô em 20 trong sáng. Lác đác, đôi chỗ sẽ có sự góp mặt của chú 44, chị 29 và chị 32.

Quyển sách này đúng “khẩu vị” của mình. Vì nó vừa hữu ích lại vừa giải trí. Bạn đừng lo, nó sẽ không khiến bạn cảm thấy ngao ngán giống như nhìn vào mấy cuốn sách self-help chằng chịt toàn chữ là chữ đâu nhé. Chất sáng tạo được thể hiện ngay từ hình thức trình bày, nội dung cuốn sách được viết dưới dạng các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Mỗi câu chuyện của em 20 và anh 30 đều là những tình huống thực tế trong nghề quảng cáo mà họ bị mắc lại và phải tìm cách gỡ rối.

Cứ mỗi một trang lật qua, mình lại được lĩnh hội một bài học đáng giá. Đôi lúc, mình phải ồ lên và bật ngửa vì bản thân cũng đã từng gặp phải những lỗi sai tương tự như cô bé 20, mặc dù đã theo nghề viết 3- 4 năm. Mình chắc chắn rằng có thể nhiều Copywriter/Content writer “có tuổi” cũng sẽ thấy giống như mình khi đọc cuốn sách này.

8 điều đúc rút được từ cuốn sách mà mình tâm đắc

Cuốn sách 90 – 20 – 30 có vô vàn, la liệt những điều hay ho, nhưng từ góc nhìn cá nhân, mình xin tóm gọn lại bằng 8 điều bản thân thấy tâm đắc nhất.

1/ Muốn giỏi cái gì thì phải tắm mình trong nó

Khi bắt đầu một lĩnh vực mới, điều dĩ nhiên là chúng ta không có thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng tất cả những thứ này đều có thể bồi đắp bằng cách học và đọc thật nhiều, học từ sách, google, từ đồng nghiệp, từ mọi phương tiện xung quanh, vân vân và mây mây. Muốn giỏi cái gì thì phải tắm mình trong nó. Phải để nó tràn ngập trong đời sống của mình càng nhiều càng tốt. Đó là điểm bắt đầu.

2/ Mới vào nghề cần tích cực kết bè, kết bạn

Khi mới là mầm non, chúng ta rất cần đồng cảm. Bởi, khoảng cách với các đồng nghiệp về kinh nghiệm và tuổi tác có thể khiến ta cảm thấy bị “ra rìa”. Vì thế, hãy năng nổ, tích cực kết bạn, kết bè với những con người khác cũng đang trong tình trạng như mình. Có thêm bạn bè sẽ có thêm nhiều thứ để chia sẻ, an ủi, động viên nhau cùng lớn lên.

3/ Muốn làm Copywriter phải vượt qua nỗi sợ công khai những gì mình viết

Lúc ban đầu còn non tay nghề, chúng ta thường sợ sệt nếu lỡ như ai đó đọc được những gì mình viết. Bài đăng lên Facebook thì cài đặt chế độ chỉ mình tôi, blog cá nhân thì rào 80 hàng bảo vệ, viết xong là lấy thân che liền. Tuyệt nhiên không để ai biết mình là tác giả. Chỉ sợ ai tạt ngang qua lại dội cho vài gáo nước lạnh. Nhưng sáng tạo là giãi bày. Đến tâm tư của bản thân cũng không dám bộc lộ thì làm sao nhãn hàng nào dám để mình làm thế với đứa con của họ. Thế nên, đã quyết tâm gắn bó với nghề thì phải đắp da mặt dày thêm chút nữa để đủ sức chống chịu mọi búa rìu dư luận gần xa.

Càng bị chê thì càng phải viết nhiều. Viết nhiều để tăng cảm giác về ngôn ngữ và soi ngắm mình qua từng câu viết. Người viết phải đổ mồ hôi, trau dồi rất nhiều qua năm tháng thì con chữ mới đủ hấp lực cuốn hút người đọc.

4/ Viết dài thì dễ hơn viết ngắn

Copywriter khi gia công câu chữ thì luôn nhọc nhằn hơn các writer ngành khác vì không đâu lại chằng chịt rào cản, yêu cầu, tiêu chí như ngành truyền thông. Đã là Copywriter phải học cách viết ngắn, cứ lần lượt bung cái ý trong đầu ra, rồi từ từ “thắt” lại cho gọn.

5/ Chia khó khăn lớn thành nhiều khó khăn nhỏ

Khi gặp thử thách, không gì gây hoang mang hơn là câu nói động viên của ai đó “Tự tin lên đi em!”. Mặc dù nó được diễn đạt rất mạnh mẽ và ngọt ngào, nhưng tự tin không phải nụ hôn truyền miệng từ người này sang người khác, làm sao mà dễ dàng có được. Thôi thì, gặp cái gì to, mình chẻ nhỏ, cho đến khi làm được thì thôi. Cứ làm từng chút, từng chút một. Đến khi vượt qua, bạn thậm chí còn chả nhớ đến chữ “tự tin” là gì nữa.

6/ Có ý tưởng hay đi đã, đừng ôm khư khư nỗi sợ người khác ăn cắp ý tưởng của mình

Trong ngành sáng tạo, ý tưởng trùng lặp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mình nghĩ được thì người ta cũng nghĩ được. Vì thế, hãy phấn đấu để tạo ra các ý tưởng ác đòn đi rồi hãy sợ người khác chôm chỉa.

7/ Ngôn ngữ luôn có sự cảm tính nhất định

Nhận xét về ngôn ngữ là khó nhất trên đời, vì dù có giỏi logic cỡ mấy thì ta cũng phải công nhận một điều là ngôn ngữ có sự cảm tính nhất định. Chúng ta lớn lên và đọc những quyển sách khác nhau, xem những bộ phim, học những trường đại học khác nhau. Mỗi người đã tự trang bị cho mình một túi từ vựng không hề giống nhau. Đó chính là sự cảm tính của ngôn ngữ. Từ này trong mắt bạn là đẹp nhưng trong mắt người ta là tầm thường. Vì thế, Copywriter chỉ là làm việc với câu chữ nhiều chứ không phải nắm trọn chữ nghĩa. Nếu khách hàng từ chối một câu nào đó thì chẳng qua là chưa đúng ý họ, chứ không phải mình viết dở.

8/ Ngành quảng cáo có tính chất đào thải cực mạnh

Đúng vậy, mình chỉ cần dừng lại vài giây thôi, người khác cũng có thể vượt mặt ngay tắp lự. Trong ngành truyền thông – quảng cáo, mọi thứ xoay nhanh như chong chóng, chúng ta phải cập nhật liên tục, luôn bền gan và nỗ lực không ngừng để theo kịp guồng quay này.

Cuốn sách đáng mua chứ?
Bạn biết không, mình đã hoàn toàn “nhai” hết quyển sách này chỉ trong 3 ngày. Mình không rõ bạn sẽ lượm nhặt được gì sau khi đọc nó, nhưng có một điều mình chắc chắn rằng bạn sẽ bớt run rẩy hơn nếu đang có ý định đưa một chân qua cánh cửa Agency đầy phong ba bão táp giống như cô bé 20.

Đầu trang
Lên đầu trang