“Sinh viên Marketing nên làm thêm việc gì?”. Đó là câu hỏi mà sinh viên Marketing, cũng như các bạn đang học ngành này rất quan tâm. Công việc part-time không những đem lại nguồn thu nhập phục vụ cho cuộc sống, mà còn cho ta cơ hội trải nghiệm, thấu hiểu bản thân, tích lũy kĩ năng… Và quan trọng nhất là những kinh nghiệm quý báu để làm đẹp CV mình sau này.
Để đạt được lợi ích và tránh các “tác dụng phụ” khi làm thêm. Sinh viên cần lựa chọn kĩ lưỡng công việc phù hợp với bản thân. Ngay sau đây Thiên SOTA sẽ chia sẻ cho mọi người bí quyết lựa chọn và tìm việc làm thêm. Đồng thời giới thiệu top những công việc làm thêm ngành Marketing phù hợp với sinh viên.
Mục Lục
ToggleTại sao sinh viên Marketing cần tìm việc làm thêm phù hợp?
Không chỉ riêng các bạn đang theo học ngành Marketing. Mà kể cả các bạn ngành khác cũng nên tìm việc làm lợi nhất cho bản thân. Có rất nhiều bạn nghĩ rằng: “mình chưa có đủ kinh nghiệm về Marketing thì làm việc nào cũng được “ hay “ chỉ cần có tiền thì làm cho người ta luôn”,… Tuy nhiên thị trường việc làm ngày nay rất phát triển. Có rất nhiều công việc Marketing với mức thu nhập hợp lí. Thậm chí nhiều công việc có giờ làm việc linh hoạt để ta cân bằng lịch trình học tập. Nhìn chung cơ hội của chúng ta đã rộng mở hơn trước rất nhiều. Vậy cớ sao phải thu hẹp lựa chọn bản thân trong những công việc không mang lại nhiều lợi ích?
Sinh viên Marketing nên làm thêm việc gì?
Tất nhiên những công việc tay chân như rửa bát, bồi bàn, shipper,…cũng rất đáng quý. Đó là công việc sẽ dạy ta các kĩ năng sống và sức nặng của đồng tiền mình làm ra. Thế nhưng cũng có những bạn gắn bó mãi với mức lương lèo tèo chỉ tầm 20 đến 25 nghìn/giờ. Những công việc như thế chỉ nên trải nghiệm ở năm nhất. Kéo dài điều này đến năm 2,3,4 sẽ không còn phù hợp nữa mà rất ảnh hưởng học tập. Thay vào đó, làm những công việc liên quan đến Marketing hơn. Với mức thu nhập tương đương nhưng tích lũy được thêm kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành
Sinh viên Marketing nên làm thêm việc gì? Top những công việc phù hợp với sinh viên Marketing
1.Thực tập sinh Marketing, Digital marketing.
Đối với những bạn sinh viên còn chưa biết Marketing nên làm thêm việc gì. Thì apply vào vị trí thực tập sinh Marketing hay Digital Marketing,… Là vô cùng hợp lí. Các bạn sẽ được trải nghiệm nhiều mảng khác nhau để tìm ra thế mạnh của bản thân, hiểu được cách vận hành của một phòng, ban Marketing để mình có thể định hướng được vị trí mà mình muốn trở thành trong tương lai. Khó khăn mà các bạn hay gặp phải đó là có rất nhiều công việc ở các mảng khác nhau cần làm, đòi hỏi khả năng chịu áp lực cao, tiếp thu và học tập nhanh chóng. Ngoài ra, mức lương khởi điểm của vị trí thực tập thường thấp, bạn sẽ cần có thời gian và sự nỗ lực để có thể tiến lên vị trí chính thức.
2. Thực tập sinh SEO (Search Engine Optimization),…
Trong thời đại công nghệ, nhu cầu của ngành Digital Marketing vô cùng lớn. Kéo theo nhu cầu cao khủng khiếp những nhân sự làm SEO. Là một SEO intern, bạn sẽ hiểu được các chiến lược SEO cơ bản, cách sử dụng các tool, viết bài, và rất nhiều kĩ năng khác… Nhằm tăng thứ hạng các trang web của công ty trên Google, tăng traffic cho website. Nhược điểm là làm SEO đôi khi rất nặng về mặt kĩ thuật. Sẽ cần khả năng tư duy logic và học tập không ngừng. Cũng như bao công việc khác, trừ khi bạn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thì bạn sẽ cần phải đi lên từ vị trí thực tập, cùng với mức lương chưa cao.
3. Thực tập sinh Social Media.
Cũng là một thành phần quan trọng trong lĩnh vực Digital Marketing. Nếu bạn năng động, sáng tạo và đồng thời thích mạng xã hội. Có thể viết các kịch bản, xây dựng nội dung để phát triển các kênh truyền thông. Thì lựa chọn vị trí thực tập sinh Social Media cũng rất đáng để thử. Đổi lại bạn sẽ cần biết xử lí những khủng hoảng truyền thông, chịu được áp lực đạt tiến độ làm việc, cập nhật thường xuyên các xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
4. Content writer, Copywriter
Chỉ cần đọc tên thôi cũng biết những việc này vô cùng “hợp cạ” với những ai mê viết lách. Content writing như tên gọi của nó – viết ra nội dung và thường sẽ dài. Những nội dung ấy giải quyết vấn đề của người đọc nó và đồng thời hướng họ đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Còn Copywriting thì bạn thường sẽ viết ra tên sản phẩm, slogan, các câu nói trong quảng cáo,… Với mục đích để khiến cho công ty của bạn bán được sản phẩm, dịch vụ. Điểm lợi là những công việc này thường có thời gian làm việc linh hoạt, có thể làm việc tại nhà. Nhưng bạn sẽ cần có sự sáng tạo không ngừng, khả năng viết tốt và có thể chịu đựng áp lực khi phải viết được đủ số lượng bài đúng hạn.
5. Content creator
Một nghề rộng hơn, nghề này cũng nhằm mục đích tiếp cận khách hàng. Nhưng không còn giới hạn ở văn bản nữa, mà cả những video, hình ảnh,… Nếu không làm cho các công ty, bạn hoàn toàn có thể tự làm cho mình. Rất nhiều người nhận tiền qua quảng cáo, bán hàng của chính mình và hơn thế nữa. Tất nhiên không hề dễ dàng để có thể trở thành một content creator thành công. Bạn sẽ cần rất nhiều chất xám, sự sáng tạo liên tục khi đăng các bài viết, video. Nhằm xây dựng được lực lượng “khán giả” của mình.
6. Sale & chăm sóc khách hàng
Dù hai công việc có sự khác biệt giữa đối tượng mục tiêu: khách hàng tiềm năng và người đã và đang làm khách hàng. Nhưng nhìn chung, nhân viên Sale và nhân viên chăm sóc khách hàng đều phải là những người có kĩ năng giao tiếp, có sự khéo léo và chịu đựng tốt. Nhu cầu về hai công việc này luôn luôn rất cao. Việc làm này khuyến khích ta đặt mình vào vị trí khách hàng, phân tích và nắm được xu hướng của các đối tượng khách hàng để đưa ra những giải pháp, những tư vấn hợp lí cho khách. Khó khăn chính là cả hai vị trí đều phải đối mặt với ít nhất một vài khách hàng khó tính. Cùng mức lương không cao so với mặt bằng chung.
7. Thiết kế đồ họa tiếp thị (Design Marketing)
Với những bạn sinh viên đam mê nghệ thuật và có mắt thẩm mỹ tốt. Làm Marketing Designer hay trau dồi kĩ năng này cho mình hoàn toàn rất có lợi. Design Marketing có thể áp dụng lên rất nhiều lĩnh vực Marketing. Từ trang web đến poster, quảng cáo,… và cả chính sản phẩm. Bất lợi đó là bạn sẽ phải đầu tư thiết bị công nghệ để làm thiết kế, gặp áp lực thời gian, bí ý tưởng và phải chiều lòng các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp và khách hàng.
8. Nhân viên bán hàng
Đây là một trong những công việc phổ biến và hợp với sinh viên. Đặc biệt là những ai chưa có nhiều kinh nghiệm. Công việc này hợp với các bạn trẻ năng động, cởi mở và tư vấn bán hàng tốt. Có rất nhiều cửa hàng từ lớn đến bé với đa dạng sản phẩm, dịch vụ kinh doanh để bạn hoàn toàn lựa chọn. Nếu bạn muốn tìm hiểu hoạt động kinh doanh của một mô hình nào đó. Thì trở thành nhân viên bán hàng không những giúp bạn hiểu hơn về mô hình ấy, mà còn hiểu được khách hàng và nắm được ít nhiều nghệ thuật bán hàng. Khó khăn gặp phải đó là mức lương không quá cao và công việc thiên về vận động chân tay nhiều hơn những nghề kể trên.
Có thể tìm kiếm những việc làm ở đâu?
Hiện nay số lượng công việc, đặc biệt công việc ngành Marketing, đều rất nhiều. Các bạn sinh viên có thể tìm kiếm trên các trang web uy tín như: Topcv.vn, Careerbuilder.vn, Ybox.vn, Vietnamworks.com, Glints.com, Linkedin.com… Tuy nhiên sinh viên vẫn cần cảnh giác những hành vi lừa đảo. Tránh chuyển tiền, cho phép truy cập điều khiển máy tính cá nhân hay tiết lộ thông tin quan trọng như mật khẩu ngân hàng cho những đối tượng khả nghi. Hầu hết các công ty uy tín hiện nay không yêu cầu nhân viên gửi tiền cho họ. Vì thế khi được yêu cầu chuyển tiền, các bạn sinh viên nên cân nhắc thật kĩ.
Cần chuẩn bị những gì để có thể có công việc làm thêm ngành Marketing?
Để có thể bắt đầu apply các công việc, bạn sẽ phải tìm hiểu rõ định hướng nghề nghiệp. Trau dồi những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân (nếu có). Hãy bắt đầu tạo CV và đối với từng mảng công việc khác nhau. Với mỗi vị trí, bạn nên có một CV riêng để phù hợp với từng yêu cầu khác nhau ấy.
Yêu cầu về thái độ và kĩ năng
- Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, tư duy tốt và chủ động trong công việc
- Kĩ năng giao tiếp tốt, hiểu tâm lý khách hàng.
- Đối với người chưa có kinh nghiệm. Kiến thức SEO, Content, Ads, Media, Web… cơ bản là một lợi thế
- Ưu tiên biết sử dụng các tool cần thiết cho công việc. (Ví dụ: việc làm SEO ưu tiên ứng viên biết sử dụng Google Analytics, Google webmaster tools, SEO copywriting…)
- Biết sử dụng các công cụ design và edit : Photoshop, Canva, AI, Capcut…
- Biết sử dụng phần mềm tin học văn phòng: Word, Excel, Powerpoint, Google sheet, Google docs, Google form,…
Yêu cầu về học vấn
Sinh viên thuộc những nhóm ngành: Marketing, Truyền thông, Báo chí, Quản trị kinh doanh, Kinh tế,…sẽ có độ ưu tiên cao hơn. Sinh viên từ năm 2,3,4 cũng ưu tiên hơn. Nhưng những bạn ngành khác hay chỉ mới năm nhất vẫn có thể được nhận. Nếu bạn đáp ứng các yêu cầu khác của nhà tuyển dụng.
Ngày nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp cần những bạn Marketing có trình độ tiếng Anh giao tiếp tốt. Thường ở mức tương đương IELTS 6.0 trở lên. Vì thế sinh viên cũng nên tận dụng khả năng của mình để có lợi thế nhiều hơn.
Ngoài những yếu tố trên, các bạn sẽ còn phải đáp ứng được những yêu cầu khác như: có laptop riêng, laptop đủ điều kiện hoạt động làm việc, cam kết làm đủ thời gian tối thiểu trong 1 tuần, phù hợp văn hóa công ty… Nhà tuyển dụng cũng sẽ rất chú ý đến thái độ, tác phong của bạn, nhất là khi phỏng vấn. Vì thế hãy chuẩn bị thật kĩ tinh thần và sự tự tin để đạt được kết quả như ý.
Khép lại vấn đề “sinh viên marketing nên làm thêm việc gì?”
Câu hỏi “sinh viên marketing nên làm thêm việc gì?” đã được giải đáp xong kèm theo những bí quyết và gợi ý công việc hấp dẫn. Hy vọng sau bài viết này, các bạn có thể tìm ra và chuyển bước đến những công việc phù hợp hơn cho bản thân mình. Học tập là một quá trình lâu dài, không bị giới hạn trên trang sách hay lớp học nào cả. Vậy nên hãy tự do khám phá những tri thức mới qua những công việc mà bạn thích nhé!
Chia sẻ bài viết: