Hôm qua, sau khi đọc xong cuốn “Viết đi đừng sợ” của chị Linh Phan, mình dự định sẽ viết một bài review thật tâm đắc. Ngay lúc đó, mình đã lần mò trên Google xem đã có ai viết về nó hay chưa. Sau một hồi tìm kiếm tới lui thì tuyệt nhiên chưa thấy bài review nào xuất hiện. Ồ! Vậy nếu mình làm điều này thì chẳng phải bài viết của mình sẽ là nội dung review đầu tiên được xuất hiện trên Google. Ý nghĩ này lóe lên khiến mình phấn khích tột độ.
Ban đầu, mình hí hửng lắm. Nhưng sau một hồi dồn hết sự tập trung trước màn hình máy tính, chiếc mở bài vẫn chưa hiện ra, cứ loay hoay gõ được vài dòng rồi lại xóa vì chẳng câu từ nào ưng ý.
Mình chống tay lên cằm, thở dài thườn thượt, rồi liếc sang cuốn sách đang nằm im trên mặt bàn. Khi nhìn chăm chăm vào tiêu đề cuốn sách, mình cảm giác như nó đang thôi miên mình, đang giục giã mình “Viết đi đừng sợ!”. Thế rồi, đám mây u ám trong đầu dần biết mất. Mình tự nhủ với lòng cứ viết đi thôi, đừng nghĩ ngợi quá nhiều.
Mục Lục
ToggleReview “giao diện” sách
“Viết đi đừng sợ” có rất nhiều thứ hấp dẫn mà mình muốn tiết lộ cho các bạn. Nhưng trước tiên mình không thể nào bỏ qua việc review “giao diện” của nó được.
Phải nói là mình rất ưng chiếc bìa sách màu xanh thăm thẳm này. Nó được thiết kế tựa như một trang nhật ký, khơi gợi ngay niềm cảm hứng viết lách đối với những người yêu con chữ. Trên trang nhật ký ấy là dòng chữ “Viết đi đừng sợ” thật rõ ràng, có tính kích thích cực mạnh.
Bên trong sách sử dụng font chữ in đơn giản, ít đường nét, các dòng văn bản có độ giãn cách vừa phải. Chính vì thế, việc đọc một cuốn sách cần nhiều năng lượng thế này cũng trở nên dễ dàng hơn. Đôi chỗ, bạn có thể bắt gặp một vài hình ảnh, một vài chiếc note xinh xinh.
Cách đây vài tháng, trước khi cuốn sách xuất bản, chị Linh từng đăng một post trên Facebook ngỏ lời nhờ mọi người “hiến kế” giúp chị để có được một câu tagline phù hợp với “Viết đi đừng sợ”. Trong hàng trăm bình luận, mình cũng hăm hở góp một chiếc tagline nho nhỏ “Bí kíp “hóa vàng” những con chữ dại khờ”. Suốt vài ngày sau đó, mình mong kết quả như mong mẹ về chợ. Hễ cứ lúc nào rảnh, mình lại ghé ngay vô group để xem chị Linh đã lên bài chốt tagline được chọn hay chưa. Nhưng có lẽ vì phải bàn bạc với nhà xuất bản hơi lâu, nên phải vài ngày sau mới có kết quả. Cuối cùng thì ý tưởng của mình không được chọn. “Từ tay không thành tay viết” là tagline của một bạn gái nào đó được chọn và chính thực được in trên bìa sách.
Review nội dung sách
Trước đây, mình có tìm đọc vài cuốn sách dạy kỹ năng viết lách, nhưng thực sự chưa có cuốn nào mình ưng ý như “Viết đi đừng sợ”. Bởi, “Viết đi đừng sợ” không vẽ ra lý thuyết suông, nó mang đậm chất thực hành. Nhiều lúc, mình tưởng tượng nó giống như một “cô gia sư dạy viết” tại nhà chứ không chỉ đơn giản là một cuốn sách.
Về nội dung, “Viết đi đừng sợ” chia làm 3 phần chính gồm có:
- Viết và kỹ thuật viết cơ bản
- Luyện viết
- Làm sao để viết được 10.000 từ trong một ngày
Trong cuốn sách này, tác giả không chỉ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp “người mới” vượt qua nỗi sợ viết lách mà còn hướng dẫn các kỹ thuật viết cơ bản, đồng thời củng cố lý thuyết bằng hệ thống bài tập xuyên suốt nội dung mà ai cũng có thể thực hành ngay được.
Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ vì có quá trời nội dung hướng dẫn khác nhau. Nhưng bạn yên tâm, vì nó đều được triển khai một cách tuần tự, mạch lạc. Mỗi hướng dẫn được diễn giải rất chi tiết, dễ hiểu và có ví dụ minh họa cụ thể.
Trên con đường viết lách, mỗi người chọn một hành trình khác nhau. Nhưng mình thấy rằng, có chiến thuật sẽ giúp bạn đi nhanh và đúng hướng hơn. Đó cũng chính là những cẩm nang mà cuốn sách này gửi gắm.
Tóm tắt nội dung phần 1: Viết và kỹ thuật viết cơ bản
1/ Viết cơ bản
Khi mới viết lách, chúng ta thường có rất nhiều trăn trở, luôn tự chất vấn lòng mình “Tôi có thể viết tốt không?”, “Tôi có thể trở thành một cây viết không?” hoặc “Khi nào tôi nên công khai bài viết của mình?”… Trước những câu hỏi này, tác giả khẳng định rằng mọi cây viết không cần cố gắng để trở nên tốt nhất, lúc bắt đầu, điều quan trọng là bạn mong muốn viết và sẵn sàng dành thời gian cho nó. Nếu chúng ta cam kết với bản thân bằng thái độ nghiêm túc trong việc viết lách sớm muộn thành quả cũng sẽ đến.
Ở nội dung tiếp theo, bạn sẽ được tiếp cận các kỹ thuật cơ bản trong việc viết như viết tự do, viết sáng tạo, viết theo dạng thức. Mỗi kỹ thuật viết sẽ có đính kèm bài tập thực hành, bạn nên thực hiện tuần tự trước khi xem bài học tiếp theo.
À, tiết lộ thêm cho bạn, khi mua “Viết đi đừng sợ”, bạn sẽ được tặng một cuốn sổ luyện viết rất xinh, có note chi tiết các bài tập. Hãy đọc kỹ nội dung trong sách và hoàn thiện bài tập nhé.
Bên cạnh nền tảng cơ bản, chúng ta cũng cần xác định xem bản thân là kiểu người viết nào và muốn theo đuổi cá tính viết ra sao.
Trong cuốn sách này, tác giả chia kiểu người viết thành 3 nhóm.
Những người chỉ viết, sống nhờ viết: Đây là nhóm người làm việc 100% với viết lách với các sản phẩm chủ đạo như là sách, báo, sách điện tử, blog, các tài liệu viết có liên quan tới công việc chuyên môn… Nhóm này thường phải viết rất nhiều, viết liên tục và gần như không có thêm các hoạt động tiếp thị hay các loại hình sản phẩm kinh doanh nào khác.
Những người là tác giả kiêm nhà kinh doanh: Những cây viết này không chỉ sản xuất các sản phẩm từ viết, họ còn có thu nhập từ nhiều nguồn khác như tham gia sự kiện, làm diễn giả, coaching,… Nguồn thu nhập của nhóm này sẽ cao hơn so với nhóm chỉ viết đơn thuần, nhưng vì vậy mà họ thường phải làm nhiều việc hơn.
Những người lãnh đạo tư tưởng: Những người thuộc nhóm này không chỉ có sở trường và chuyên môn viết lách. Những ý tưởng của họ có thể tiên phong cho một lối sống, truyền bá một tư tưởng mới, hướng dẫn cho người khác thành công hoặc từ đó chuyển sang một nguồn thu nhập khác. Họ được trả tiền để chia sẻ ý tưởng, để tham vấn chuyên môn cho những người khác. Họ thường có cộng đồng độc giả đông đảo và những fan chất lượng. Đây có lẽ là “cảnh giới” cấp cao mà mọi tay viết chuyên nghiệp mong muốn đạt được.
5 nhóm cá tính phổ biến của người viết
Bất cứ ai khi theo đuổi nghiệp viết lách cũng muốn được tìm ra màu sắc riêng của mình trong từng con chữ. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi bài viết của mình mang loại cá tính nào hay chưa?
Bạn có muốn theo đuổi cá tính viết của một nhà tiên tri (ví dụ như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng), cá tính viết của một nghệ sĩ (ví dụ như Lai Thượng Hưng) hay cá tính viết của một nhà báo, giáo sư, ngôi sao.
Ở cuối phần nội dung này, những cách mà tác giả gợi ý sẽ là một bài kiểm tra giúp bạn tự tìm thấy đâu là kiểu người viết và cá tính viết mà bạn muốn hướng tới.
2/ Viết hiệu quả
Khi mới học viết, có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì không biết bắt đầu thế nào, làm sao để có được bài viết hoàn chỉnh. Vậy thì đừng lo, nội dung phần này chính là thứ bạn cần, tác giả sẽ giải thích chi tiết quy trình triển khai một bài viết với 9 bước cụ thể và hướng dẫn tỉ mỉ cách thực hiện từng bước ra sao.
9 bước trong quy trình ấy gồm có:
- Lập kế hoạch
- Nghiên cứu thông tin
- Tổ chức thông tin
- Viết bản nháp đầu tiên
- Đối chiếu với kế hoạch ban đầu và sửa bản nháp
- Cải thiện từ ngữ, “đánh bóng” văn bản
- Hiệu đính (rà soát lỗi, chỉnh sửa lại nội dung cho đúng và hay hơn)
- Nhận đánh giá phê bình
- Xuất bản, công khai bài viết
Đừng quên rằng, một bài viết chỉn chu là chưa đủ, nó phải có sức thuyết phục. Bạn có thể tăng tính thuyết phục cho bài viết bằng các sự kiện, số liệu, dùng sắc thái văn bản phù hợp, tạo ra một câu chuyện. Ngoài ra, chúng ta có thể thúc đẩy sự thuyết phục bằng cách xây dựng mối quan hệ tối đẹp giữa nguồn phát thông tin (thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, cá nhân) và người đọc. Bên cạnh đó, để giảm bớt sự nhầm lẫn, người viết có thể thay đổi quan điểm hoặc tránh các thông tin tiêu cực, tìm kiếm các thông tin tích cực để thay thế nó hoặc diễn giải lại cho phù hợp với quan điểm hoặc thái độ của đối tượng tiếp nhận giao tiếp. Hiểu được điều này sẽ giúp người viết triển khai nội dung “nhắm đích” tốt hơn đối với từng nhóm đối tượng người đọc mà họ hướng tới.
3/ Vượt qua nỗi sợ trì hoãn khi viết
Ở nội dung cuối cùng của phần 1, tác giả tổng hợp 12 nguyên nhân phổ biến khiến một người trì hoãn việc viết lách. Nếu bạn đang trì hoãn, có thể bạn sẽ tìm được cách chữa trị trong cuốn sách này. Tác giả đưa ra hướng giải quyết rất cụ thể với từng trường hợp khác nhau. Ví dụ, nếu bạn trì hoãn viết bởi trong đầu đang có quá nhiều ý tưởng và không biết bắt đầu từ đâu, bạn nên viết tất cả chúng ra và hãy bắt đầu tự hỏi:
- Những ý tưởng nào có thể để lại mà không khiến mình đau đớn hay mất đi sự thú vị của nó?
- Ý tưởng nào phải bắt tay vào làm ngay?
- Y tưởng nào thể hiện mạnh mẽ nhất các giá trị cốt lõi của mình?
- Nếu chỉ được chọn 2 thì mình nên chọn cái nào?
- Mình có thể chọn cả 2 và làm cùng lúc hay không? Nếu có thì làm thế nào?
Sau một hồi liên tục đặt ra các câu hỏi để phân loại ý tưởng chắc chắn bạn sẽ tự nhìn thấy khó khăn được gỡ rối và biết mình cần phải làm gì tiếp theo.
Tóm tắt nội dung phần 2: Luyện viết
Kích hoạt cỗ máy ý tưởng trong đầu
Bạn được giao một chủ đề cụ thể nhưng bạn bí ý tưởng. Bạn sẽ được hướng dẫn 4 bước để bồi đắp ý tưởng từ khâu thu thập ý tưởng, xem xét đối tượng, nghiên cứu chủ đề và viết tự do.
Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra khó khăn của nhiều cây viết đó là vấn đề phát triển nhiều ý tưởng cho một chủ đề cụ thể. Một tình huống mà chúng ta rất dễ gặp phải khi viết đó là dồn hết tâm huyết cho bài viết đầu tiên, chính vì vậy chúng ta gặp khó khăn nếu muốn tạo ra một phiên bản khác tốt hơn vì các ý tưởng ban đầu đã dùng cạn sạch. Vậy trong trường hợp này phải làm thế nào? Làm sao để triển khai một chủ đề thành nhiều ý tưởng khác nhau? Bạn sẽ được “khai sáng” khi xem mô hình 6 hướng để phát triển ý tưởng cho mọi loại chủ đề để vượt qua tình huống nan giải này.
Thực hành viết một bài viết hoàn chỉnh
Có 4 thành phần nội dung thường thấy trong một bài viết, đó là tiêu đề – mở bài – thân bài – kết bài.
Triển khai tiêu đề
Một tiêu đề tốt nên cung cấp cho người đọc ít nhất 1 lợi ích, tiêu đề đó cũng cần được tối ưu để có thể xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm.
Triển khai mở bài
Để viết nội dung mở đầu hấp dẫn, tác giả đưa ra 15 cách áp dụng khác nhau:
- Tiết lộ cho người đọc biết những điều bạn sắp nói với họ.
- Đưa ra một câu hỏi.
- Chia sẻ số liệu thống kê
- Chia sẻ một câu trích dẫn
- Kể một câu chuyện của chính mình
- …
Mỗi cách này đều có mẫu gợi ý cụ thể, bạn có thể thực hành ngay với bài viết của mình.
Ví dụ, mở bài bằng cách chia sẻ số liệu thống kê, bạn có nội dung như sau:
Tôi đã rất sốc khi đọc được thống kê là cứ 4 người phụ nữ thì có 1 người bị sảy thai. Đã có nhiều người mẹ bị mất con hơn chúng ta tưởng và có vẻ nhiều người không để ý tới con số này. Có lẽ họ không bao giờ nghĩ mình có thể bị sảy thai, nhưng nhìn vào con số 25% thì điều tốt nhất chúng ta có thể làm đó là chuẩn bị. Nội dung bài viết này của tôi sẽ giúp những người mẹ vượt qua tâm lý đau khổ và thậm chí trầm cảm khi không may bị sảy thai.
Triển khai thân bài
Nếu nhiệm vụ của tiêu đề chính là nắm bắt sự thu hút của người đọc, phần mở đầu lôi kéo họ thì thân bài có vai trò quan trọng như nam châm níu họ ở lại với nội dung của bạn lâu hơn.
Bạn biết không, nhiều độc giả có thói quen đọc lướt, nghĩa là họ quét nội dung từ trên xuống dưới, nhìn từ trái qua phải một cách nhanh chóng và thường chỉ đặt sự chú ý vào những từ ngữ được làm nổi bật. Vì vậy, để giữ chân với người đọc bạn cần đặc biệt lưu ý đến tiêu đề phụ. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định ở lại hay rời đi của họ. Ở phần này, bạn sẽ nắm được 4 chiến thuật để triển khai các tiêu đề phụ “ăn điểm” với người đọc.
- Chiến thuật gây bất ngờ
- Chiến thuật gây tò mò
- Chiến thuật thêm yếu tố cảm xúc vào tiêu đề phụ
- Chiến thuật thể hiện tính cách trong tiêu đề phụ
Khi kết hợp các chiến thuật này với nhau, hệ thống tiêu đề phụ trong bài sẽ đóng vai trò như những nấc thang dẫn dắt người đọc từ ý tưởng này đến ý tưởng khác.
Triển khai phần kết
Nhiều người thường ít coi trọng phần kết, thậm chí là bỏ qua nó. Nhưng bạn có biết, một phần kết yếu sẽ phá vỡ toàn bộ nỗ lực bên trên của người viết. Nếu bạn có một phần kết thuyết phục và truyền cảm hứng cho người đọc, bạn sẽ thúc đẩy được họ hành động theo ý đồ mà mình nhắm tới. Họ có thể là để lại bình luận, mua hàng hoặc đơn giản giúp họ nhận thức rõ hơn về vấn đề trong bài viết, thay đổi thói quen nào đó của họ…
Để làm được như vậy, bạn có thể kết bài bằng cách tóm tắt lại các ý chính, khuyến khích người đọc hành động hoặc cho họ thấy một góc nhìn tương lai… Trong phần này, tác giả cung cấp tới 10 cách khác nhau để bạn có thể tạo ra một cái kết trọn vẹn, đủ sức thuyết phục. Bạn hãy áp dụng nó vào bài viết của mình để kiểm tra hiệu quả nhé.
Viết trong Content Marketing
Có rất nhiều dạng nội dung trong Content Marketing, nhưng trong phần này tác giả sẽ chỉ tập trung vào 1-2 dạng phổ biến (dạng blog và bài chuyên sâu). Mỗi dạng bài này sẽ có mẫu bài viết phổ biến (trên 1000 từ) giúp bạn hình dung được rõ hơn.
Viết trong Copywriting
Copywriting có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng theo quan điểm của tác giả, nó được hiểu đơn giản là các nội dung bán hàng hoặc tài liệu tiếp thị có ảnh hưởng tới khách hàng tiềm năng, hướng họ tới việc mua hàng, ví dụ như TVC, thư chào hàng, landing page có lời kêu gọi mua sản phẩm…
Mục tiêu quan trọng của viết lách là tiếp thị. Nó là công cụ bán hàng vô cùng mạnh mẽ. Vì thế, 15 thủ thuật viết Copywriting sẽ giúp bạn đưa được một lời chào hàng khéo léo vào nội dung bài viết. Và nếu bạn hứng thú với nó, bạn có thể tham gia thử thách 10 ngày viết Copywriting để trở thành người viết quảng cáo thành công. Các thử thách được viết ra rất cụ thể, tất cả những gì bạn cần làm là thực hành và cam kết nghiêm túc.
Tóm tắt nội dung phần 3: Bí kíp để viết được 10.000 từ một ngày
Viết 10.000 từ mỗi ngày quả là thành tích đáng nể. Tất nhiên, bạn sẽ không thể đạt được tốc độ này chỉ bằng việc đọc hết cuốn sách. Nhưng bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bằng mục tiêu nhỏ hơn, dễ thực hiện hơn, chẳng hạn như viết 1000 từ mỗi ngày. Qua thời gian, sự bền bỉ và nỗ lực của bạn sẽ khiến cho tốc độ viết cải thiện. Người viết lách nghiêm túc không nghỉ ngơi. Ít nhất là không phải lúc mới bắt đầu. Không phải khi họ đang xây dựng đế chế viết lách cho mình. Ngược lại, họ đưa ra một quyết định đơn giản: Họ viết mỗi ngày. Bất kể điều gì.
Cuối cùng, dù bạn là ai, là một cây viết nghiệp dư hay chuyên nghiệp, có một số sự thực đau đớn về nghề viết mà bạn cần phải chấp nhận. Cụ thể những sự thật ấy là gì, nếu bạn muốn biết tường tận, hãy tìm đọc trong sách nhé.
Sau khi đọc tới đây, chắc hẳn bạn cũng hiểu được hành trình từ tay không thành tay viết không hề dễ dàng. Cuốn sách này sẽ là ‘bạn đồng hành” đáng tin cậy cùng bạn đi qua những ngày tháng khó khăn ấy. Nhưng bạn ơi, đừng chỉ đọc xong rồi cất gọn vào một góc. Bạn có đọc bao nhiêu cuốn sách, học bao nhiêu bí kíp mà không thực hành thì tất cả cũng trở thành công cốc mà thôi. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu luôn bạn nhé. Viết đi đừng sợ!
Chia sẻ bài viết: